Thần học Phong_trào_Ngũ_tuần

Phần lớn tín hữu Ngũ Tuần tin rằng cần phải chấp nhận những giáo huấn của Chúa Giê-xu được chép trong Kinh Thánh để được cứu rỗi và được vào Thiên đàng, tức là những giáo lý như sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, sự phục sinh của Chúa Giê-xu, và sự ăn năn tội.[1] Họ tin rằng cứu rỗi là sự ban cho từ Thiên Chúa mà con người có thể nhận lãnh qua đức tin vào Chúa Giê-xu, chứ không phải bởi công đức. Tín hữu Ngũ Tuần xác tín rằng Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu trong lĩnh vực đức tin. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tranh luận về những giáo thuyết đặc thù của Ngũ Tuần như việc nói các thứ tiếng và báp têm trong Chúa Thánh Linh, mở ra những tra vấn về sự cần thiết của những điều này đối với sự cứu rỗi của mỗi cá nhân.

Nhiều người thuộc Phong trào Ngũ Tuần vẫn tiếp tục duy trì xác tín rằng việc nói các thứ tiếng là dấu hiệu của người được "báp-têm trong Thánh Linh", nhưng trải nghiệm này không được xem là cần phải có để có thể nhận lãnh sự cứu chuộc. Đối với nhiều người khác, báp-têm trong Thánh Linh chỉ được xem là một trải nghiệm phụ theo sau quyết định tiếp nhận Chúa Giê-xu để được cứu rỗi, và tin rằng sự cứu rỗi của mỗi cá nhân không phụ thuộc vào việc người ấy có nói được các thứ tiếng hay không. Trong thực tế, ngày càng có nhiều tín hữu Ngũ Tuần không còn hoặc bớt quan tâm đến việc tìm kiếm và thực hành "ân tứ" này.[2]

Mặt khác, một số giáo phái Ngũ Tuần vẫn tiếp tục tập chú vào thông điệp cứu rỗi chép trong Công vụ các Sứ đồ 2:38[3], nhấn mạnh đến sự hối cải, chịu lễ báp têm trong danh của Chúa Giê-xu, rồi tiếp đến là trải nghiệm "báp têm trong Thánh Linh". Theo quan điểm này, trải nghiệm nhận lãnh Chúa Thánh Linh là điều kiện cần thiết cho sự cứu rỗi, và cần phải đi kèm với khả năng nói các thứ tiếng. Đối với họ, bất cứ ai không thể nói các thứ tiếng đều là người chưa được cứu.

Hầu hết tín hữu Ngũ Tuần tin rằng khả năng nói các thứ tiếng phục vụ hai chức năng riêng biệt: Chức năng đầu liên quan đến việc cầu nguyện, và chỉ xảy ra ở phạm vi cá nhân. Trong sự tương giao giữa tín hữu với Thiên Chúa, họ sẽ nói một loại ngôn ngữ mà chính họ cũng không thể hiểu. Theo quan điểm này, chúng không cần thiết phải là một trong những ngôn ngữ được sử dụng trên đất, đúng hơn là một loại ngôn ngữ chỉ hiện hữu trong sự thông công giữa cá nhân với Thiên Chúa. Do đó, khả năng này được xem là Glossolalia (Tiếng Lạ). Tín hữu Ngũ Tuần thực hành việc nói tiếng lạ dựa trên cách luận giải của họ về câu Kinh Thánh 1Corinthians 14:2,[4] Chức năng thứ hai liên quan đến vai trò của khả năng nói các thứ tiếng trong cộng đồng giáo hội. Tín hữu Ngũ Tuần tin rằng qua Chúa Thánh Linh, Thiên Chúa thông công với hội thánh, không chỉ trong hiện tượng nói các thứ tiếng, mà còn bằng các phương tiện khác chẳng hạn như ân tứ nói tiên tri. Những hiện tượng này được xếp vào phạm trù ân tứ thuộc linh. Khi một người nói các thứ tiếng trong các buổi nhóm của giáo đoàn, cần có một người khác có thể thông dịch ngôn ngữ ấy. Mặt khác, một số tín hữu Ngũ Tuần tin rằng một người có thể nói một ngôn ngữ mà người ấy chưa từng biết, mà những người sử dụng ngôn ngữ ấy có thể hiểu được. Hiện tượng này được gọi là Xenoglossy (nói một ngoại ngữ trong vô thức). Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi về tính xác thực của các ngoại ngữ được sử dụng trong hiện tượng này.

Trong khi hiện tượng nói các thứ tiếng được xem là trọng tâm của thần học Ngũ Tuần, tín hữu Ngũ Tuần cũng thừa nhận các ân tứ siêu nhiên khác đến từ Chúa Thánh Linh. Họ cũng tin rằng không phải tất cả tín hữu Cơ Đốc đều được nhận lãnh các ân tứ này. Trong số đó, có các ân tứ thường được nhắc đến như lời khôn ngoan (khả năng cung ứng các hướng dẫn tâm linh), lời tri thức (truyền đạt những thông tin chính xác từ Thánh Linh), đức tin, chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri (công bố thông điệp của Thiên Chúa, không nhất thiết là biết trước một sự việc sẽ xảy ra), phân biệt các linh (khả năng phân biệt tà linh với Thánh Linh), nói các thứ tiếng, và thông dịch các thứ tiếng.

Ngoài "ân tứ" nói các thứ tiếng, từng là một trong những đặc điểm nối kết các giáo phái Ngũ Tuần, thì hiện nay ân tứ làm phép lạ, nhất là chữa bệnh bằng đức tin, và phúc âm hưng thịnh là những giáo thuyết vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng thống trị trong cộng đồng Ngũ Tuần.[5]

Theo một cuộc khảo sát năm 2006 của Pew Forum on Religion and Public Life, "Trong 10 quốc gia được khảo sát, đa số tuyệt đối tín hữu Ngũ Tuần (từ 56% ở Hàn Quốc đến 87% ở Kenya) nói rằng họ từng có trải nghiệm hoặc chứng khiến việc chữa bệnh bằng đức tin." Tại những nước được khảo sát, không tính Hoa Kỳ và Hàn Quốc, tỷ lệ này là trên 70%.[5]

Trong khi đó, một tỷ lệ áp đảo trong cộng đồng Ngũ Tuần tin rằng "Thiên Chúa ban sự giàu có vật chất cho tất cả tín hữu có đủ đức tin." Tại Nigeria, có đến 95% tín hữu Ngũ Tuần chấp nhận xác tín này, và 97% nói rằng, "Thiên Chúa sẽ ban sức khỏe tốt và chữa lành bệnh tật cho các tín hữu có đủ đức tin." Tại Philippines, tỷ lệ này là 99%.[5]

Bởi vì các giáo phái Ngũ Tuần tự nhận mình có nguồn gốc từ Phong trào Giám LýPhong trào Thánh Khiết, nên các giáo thuyết của họ về sự cứu rỗi chịu ảnh hưởng từ thần học Arminius hơn là thần học Calvin.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phong_trào_Ngũ_tuần http://dlibrary.acu.edu.au/digitaltheses/public/ad... http://apostolicherald.com http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts%2... http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts%2... http://www.biblegateway.com/passage/?search=I%20Co... http://www.christianitytoday.com/ct/2000/november1... http://www.christianitytoday.com/ct/2000/november1... http://www.christianitytoday.com/ct/2006/december/... http://www.economist.com/specialreports/displaysto... http://www.encounterjournal.com